Chè lam là một loại bánh dân dã, đặc sản nổi tiếng gắn liền với miền quê Bắc Bộ. Cách làm chè lam rất đơn giản, bao gồm các nguyên liệu thân quen như bột nếp, mật mía, gừng. Nếu bạn không có mật mía thì có thể thay thế bằng đường trắng.
Tuy không thơm ngon bằng mật mía nhưng chè lam bằng đường trắng cũng đủ ý vị và hấp dẫn. Người ta thường dùng nó như một món quà dành tặng cho những người con xa quê để nhắc nhở nhớ về nguồn cội.
Hãy cùng chúng tôi tham khảo người xưa đã làm chè lam bằng đường trắng như thế nào nhé?!! Bạn có thể thử học tập nếu muốn đấy.
Nguyên liệu làm chè lam tại nhà:
Nguyên liệu gồm:
- 300g bột nếp rang 100g đậu phộng (Lạc) rang
- 50g gừng tươi (bột quế hoặc lạc rang) có tác dụng làm cho bánh thêm hương vị.
- 100g đường kính trắng tinh
Cách làm chè lam bằng đường trắng
Bước 1: Làm bột nếp làm chè lam
Chọn loại nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung hạt to, già, chắc và đều (nếu lấy nếp non thì lam sẽ nhanh ỉu). Nếp đem ngâm nước lã một đêm, khoảng từ 7h tối hôm trước đến 12h đêm hôm sau thì vớt ra để ráo nước. Khi gần khô thì bạn cho vào chảo rang đều trên lửa nhỏ, nhớ đảo đều tay cho đến khi gạo có màu vàng là được, bạn đợi gạo nguội rồi đem xay thành bột.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ qua bước 1 bằng cách mua sẵn bột nếp rang ở ngoài tiệm về.
Bước 2: Đun đường
Bật bếp ở chế độ lửa nhỏ nhất, đem đường đổ với 3 thìa nước (nước sâm sấp đường) rồi đun sôi để cho đường tan và chuyển sang màu cánh gián.
Bước này phải thật cẩn thận, đường quấy đủ độ, nếu non thì kẹo sẽ không khô còn nếu già đường quá thì kẹo sẽ cứng. Lưu ý trong quá trình đun mà thấy hỗn hợp nổi bọt thì hãy dùng muỗng hớt bỏ cho hết bọt đi.
Bước 3: Cho gừng vào
Chọn gừng củ tươi, không non quá cũng không già quá, bởi nếu chọn gừng non thì chè lam không đủ cay còn nếu gừng già thì bánh sẽ bị xơ.
Gọt sạch gừng và giã nhỏ, cho vào nồi đang đun và khuấy đều trong tầm 2 phút.
Có thể bạn quan tâm:
Cách nấu chè đỗ đen giải nhiệt mùa hè
Bước 4: Quấy bột nếp
Từ từ cho bột nếp rang vào, vừa cho vừa đảo, tránh đổ tất cả vào một lúc nếu không thì bột nếp sẽ bị vón cục và khó chín. Đảo đều cho đến khi hỗn hợp trở nên đặc và dẻo là được, cũng không nên quấy kĩ quá bởi chè sẽ cứng.
Lưu ý: Bạn có thể để lại bột nếp thừa nếu thấy hỗn hợp đã đủ độ dẻo.
Bước 5: Bỏ lạc vào chè lam
Cho lạc rang đã xát vỏ vào, quấy đều trong tầm 10 giây.
Bước 6: Rắc bột nếp khô còn thừa lên mặt phẳng
Rắc bột nếp khô còn thừa lên mặt phẳng sạch như mặt bàn, thớt, mâm, … rồi đổ hỗn hợp bột đường trong chảo ra để khỏi dính, dùng cán tròn (quả lăn) cán đi cán lại nhiều lần nhân lúc bột còn nóng, không nên để bột nguội vì khi đó sẽ khó cán.
Bước 7: hoàn thiện và thưởng thức chè lam tại nhà
Cho chè lam vào khuôn vuông đã chuẩn bị trước rồi đợi cho chúng nguội thì sử dụng dao mỏng, sắc, cắt miếng vừa ý. Nếu làm chè tròn thì véo từng miếng bằng quả ổi, dàn tròn, dẹt như miệng bát.
Chè lam thành công là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu, từ vị thơm và dẻo dai của bột nếp, vị ngọt của đường, một chút nồng cay của gừng và vị bùi của đậu phộng. Bạn có thể ăn chè lam với trà, thưởng thức bánh vào những ngày trời thu mát lạnh thì sẽ cảm thấy ngọt lành biết bao.
Cách làm chè lam bằng đường trắng ngày nay không còn thủ công như trước kia, mà tất cả đã được cơ giới hóa với những máy xay bột và máy nhào bánh, tuy nhiên, bí quyết pha trộn nguyên liệu và khâu nấu bánh vẫn được lưu truyền để giữ nguyên hương vị đặc trưng của chè lam nổi tiếng.